>> LÊ CÔNG SƠN

Không nhà cửa và vướng bận chuyện vợ con, 74 tuổi mà vẫn ngỡ mình mới… 47 tuổi, ông không màng danh lợi, chấp nhận từng ngày cô đơn trong căn phòng thuê trọ chưa đầy 15 m2 ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), để vừa ngồi viết văn vừa có chỗ… ngủ gật.

Cuộc đời “rày đây mai đó”, gắn bó với miền sông nước đã tạo cho ông cảm xúc gì để vào vai Bác Ba Phi trong Đất phương Nam “ngọt” quá vậy? Thậm chí đi đến đâu, khán giả cũng gọi ông theo vai diễn trong phim nhiều hơn bằng tên thật. Và con đường nào đã đưa chú hề xiệc trên chiếc ghe hát năm nào như ông trở thành một nghệ sĩ tên tuổi?

Ngày xưa, đa phần ai cũng nghèo. Gia tài cả nhà tôi chỉ có một chiếc ghe hát lênh đênh trên sông rạch, cứ đi tới đâu thấy khán giả đông là ghé. Năm 1945, cha mẹ sinh tôi ra trên ghe hát ngay dòng sông Tiền. Mặc dù không làm giấy khai sinh được nhưng tôi nhớ như in nguyên quán quê ở xã Vĩnh Lợi (tỉnh Minh Hải cũ), sau này mới theo ông nội lên sống tại Sài Gòn. Dù gia cảnh chẳng khá khẩm, tôi vẫn tự hào về gánh xiệc của nhà tôi duy nhất hoạt động ở miền Tây lúc đó. Cũng vì sống lưu lạc nên tính tình tôi cứ lãng đãng, nhiều khi là đà...

Nhà ông nội ở đường Nguyễn Biểu, gần khu Chợ Quán nên tôi được cho đi học bập bõm tới năm lớp 3 thì nghỉ. Khi lên 11 tuổi, tôi cùng với cha, anh trai Lê Hảo Tâm và em gái Lê Ngọc Phụng ngược về miền Tây hành nghề cũ mà sau này trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao tôi có viết. Mọi người đều làm việc cật lực nhưng khi biểu diễn xong không có màn kéo lại nên tôi phải ra đóng phụ bằng nghề hát xiệc “điền vào chỗ trống”.

Rồi công việc không thuận buồm xuôi gió, tôi trở lại Sài Gòn rủ anh Ngọc Phu đi diễn tại các phòng trà ca nhạc. Hồi đó, phòng trà ở Sài Gòn nhiều lắm, rồi tôi tham gia viết báo về sân khấu, kịch trường nhẹ nhàng, cho vừa quen với con chữ vừa kiếm sống. Được anh Thế Ngữ động viên, tôi rẽ ngang qua sáng tác kịch bản chương trình Trong nhà ngoài phố cho Đài Truyền hình TP.HCM dựng. Nhờ đó tôi có cơ hội đóng phim luôn.

Ba vai diễn để đời của tôi được khán giả nhớ nhất là Bác Ba Phi (Đất phương Nam), Tư đèo (Cải ơi) và trưởng thôn (Xóm suối sâu), còn lại là vô số vai phụ mà nếu có hỏi thì chắc tôi nhớ không nổi… Mừng nhất là vai Bác Ba Phi mọi người đều thích nên thấy tôi ở đâu hay gọi tên này. Ngay cả nhà văn Lê Minh Khuê lúc thấy tôi lớ ngớ trước cổng Hội Nhà văn VN cũng từng “mời Bác Ba Phi vào trong xơi nước”.

Quá trình “lột xác” của “chàng hề phương Nam” có gian nan lắm không, thưa ông?

Có một giai đoạn, tôi quá ảo tưởng về mình nên siêng ngồi viết văn gửi đi đến đâu cũng không thấy in. Nói ra tự “vạch áo cho người xem lưng”, chứ riêng thư cảm ơn của mấy tòa soạn báo gửi về cho tôi xếp được một chồng dày. Câu cuối bao giờ cũng “mong tiếp tục nhận sáng tác mới”, chứ dở quá sao sử dụng được.

Tôi chơi thân với nhà văn Sơn Nam, thấy ông già cuốc bộ liêu xiêu triền miên mà không có đi xe gắn máy nên tôi tự nghĩ ra một nhân vật chuyên chở Sơn Nam qua chỗ này chỗ kia chơi. Lão này có chiếc xe Suzuki cũ phải lắp ghép với máy Honda chạy nên tôi đặt tên là Suda, rồi phịa lão có biệt tài nói chuyện được với... bồ câu. Ông Suda muốn ra cuốn sách nhưng không có tiền in, nghe vậy mọi người hùn lại 5 triệu để xin giấy phép. Ai ngờ, khi vừa về nhà khoe thì bị vợ lấy đi mua xe cho con trai chạy xe ôm… Sau khi báo đăng, Người nói tiếng bồ câu được chọn in chung trong tuyển tập truyện ngắn hay nhất năm đó của Hội Nhà văn VN (năm 2002), rồi sau đó tập truyện ngắn này đứng thứ 5 trong số sách bán chạy nhất tháng 5.2006.

Nhà văn Mạc Can với tác phẩm mới Say nắng đang hoàn thiện

Nhân có dịp ra thủ đô, tôi tìm đến Hội Nhà văn VN để cám ơn thì bất ngờ nhà văn Lê Minh Khuê nhận ra “Bác Ba Phi” nên cho mời tôi vào như đã kể ở trên. Gặp nhiều người trước nay chỉ nghe tiếng: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái..., người tôi sởn hết gai ốc. Có ai ngờ một người “tép riu” như Mạc Can lại may mắn ngồi uống trà ngang hàng với những “cây đa cây đề” của giới văn chương. Bất chợt, cô Minh Khuê đánh tiếng hỏi: “Sau Người nói tiếng bồ câu, ông có tác phẩm mới nào nữa không?”. May quá, trong túi xách tôi mang theo có tập bản thảo nguệch ngoạc trên vở học trò chưa ghi tựa đề, viết về gia đình với nghề gánh hát: “Anh tôi phóng dao, em gái tôi đứng trước tấm ván, tôi vừa gỡ con dao đang run rẩy vừa làm hề cho đỡ căng thẳng…”, vậy là tôi vội vàng đưa ngay cho cô Khuê, rồi chuồn luôn về Sài Gòn.

Từ cuộc hội ngộ “không ngờ tới” với các văn sĩ giỏi giang đất Bắc lần đầu ông ra Hà Nội đã biến tác giả Mạc Can trở thành nhà văn trẻ như thế nào?

Ít tuần sau, đang đi đường thì điện thoại cùi bắp tôi rung lên, nhà văn Lê Minh Khuê “xin nhà văn Mạc Can cho phép được biên tập lại tiểu thuyết Tấm ván phóng dao để ra mắt bạn đọc”. Nghe xong hết câu, tôi tấp xe vào lề đường đứng một mình bên gốc cây khóc ngon lành. Mừng mà tủi thân vì chữ nghĩa mới lớp 3 không bằng ai, lang thang từ nhỏ đến lớn, tự dưng còn bày đặt ra mắt sách nữa. Hai tuần tiếp đó, nhà văn Hồ Anh Thái lại gọi. Nhà văn Hồ Anh Thái rất giỏi về ngoại giao, tôi ngưỡng mộ lâu nay nên nghe tiếng anh, tôi rất mừng. Anh Thái lại xin Tấm ván phóng dao cho dự thi tiểu thuyết hay năm đó của Hội nhà văn VN. Sau đó thì tác phẩm được trao giải A giai đoạn 2002-2004, tôi nhận được 50 triệu đồng, số tiền chưa từng thấy một lúc. Nghĩ đến những thân phận nghèo như mình, tôi trích 20 triệu tặng các bạn sinh viên ngoài ấy sắm sửa bút mực đi học. Sang 2005 thì nhà văn Lê Lựu còn mời tôi tới Trung tâm Văn hóa Doanh nhân thưởng tiền và trao sách với lời đề tặng “nhà văn Mạc Can”.

Có ai ngờ cuối đời Mạc Can lại có trong tay đủ danh hiệu nhiều người mong ước: nghệ sĩ, danh hài, diễn viên, nhà văn… Vậy ông còn mơ điều gì nữa không và kỷ niệm nào trong 74 năm cuộc đời khiến ông nhớ nhất?

Tôi là người không nhà. Cứ đoàn phim đi tới đâu là tôi theo ở đó. Gia tài cả đời chỉ có một laptop, một cái võng và chiếc xe máy. Hôm rồi, Trấn Thành nghe tôi bị bệnh có cho tiền để tôi mua lại chiếc xe mới, tôi mang ơn lắm. Sau khi tôi ra sách nhiều thì độc giả biết tới Mạc Can nên in nhiều hơn. Ở đời, tôi nghĩ là có may mắn nhưng nếu nói may mắn đến với tất cả thì tôi không tin. Quan niệm của tôi, cái gì tự nhiên đến nó sẽ đến, không nên tính trước và chờ đợi. Nói vậy, không phải tôi quá thụ động “nằm há miệng chờ sung” mà phải biết “tự thân vận động”. Đời hề Mạc Can đóng phim, đóng kịch, viết kịch bản, viết văn, làm báo…, nghề nào cũng cố gắng tương đối coi được, chứ không cố gắng. Bởi, tôi chẳng có tham vọng gì hết, chỉ làm trong khả năng của mình, còn đôi khi vượt quá mà tôi không biết chăng (cười khà).

Tính tôi hơi quái dị, ít gần gũi ai nên đơn độc. May mắn là đời tôi gặp được quá nhiều người tốt. Lúc vào Hội Nhà văn cũng vậy, đang đi lơ ngơ ở 81 Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) thì ông Lê Văn Thảo kêu vô làm hồ sơ, nhờ người ký tá giới thiệu, rồi được tham dự ở hội nghị nhà văn toàn quốc. Tôi chẳng tham vọng nhiều danh hiệu vì luôn mặc cảm với thân phận “tép riu” và sự kém cỏi của mình, chỉ thích người đời gọi là ông Can như người thường mà thôi. Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều rồi, chỉ cần kiếm sống qua ngày thôi. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, ít quá thì ăn cơm với… chuối cũng xong.

Từ lúc được gọi là nhà văn, tôi thấy mình phải sống trách nhiệm hơn. Tôi đang dở lở tác phẩm Say nắng còn trên máy tính. NXB Trẻ cũng vừa tái bản Tấm ván phóng dao với bìa mới toanh để kịp ra mắt chung với tập truyện ngắn Vừa đi, vừa nghĩ suy vừa nhìn viết từ Mỹ. Còn mơ ước ư? Sống tới đâu hay tới đó. Sức khỏe cũng chẳng cần vì tôi có bệnh tật gì đâu, chỉ bị thấp khớp, siêng năng tập thể dục là xong. Còn kỷ niệm nào tôi nhớ nhất trong cuộc đời mình thì nhiều lắm.

Tôi có hai niềm khao khát luôn thường trực là… khát nước và khát chữ. Nếu khát nước chỉ cần chạy tìm bình nước uống một lèo là đã khát ngay, nhưng để giải tỏa cơn khát chữ, tôi phải về lại miền Tây, tìm đến trước những cổng trường mà ghe hát của ba má tôi hay đi qua, như ngày xưa tôi lặng đứng bên cửa sổ chờ tiếng trống trường để nghe thầy cô dạy chữ cho bọn nhỏ: A, B, C… thì tôi đánh vần theo, để nhờ học lóm mới có được một Mạc Can như hôm nay.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Quỳnh Trân, NVCC

Báo Thanh Niên
10.05.2020